Bài 36. Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (tiếp theo)
Bài 36. Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (tiếp theo) thuộc: SỰ PHÂN HÓA LÃNH THỔ
Lý thuyết:
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm lúa lớn nhất của cả nước.
IV. Tình hình phát triển kinh tế
1. Nông nghiệp
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm lúa lớn nhất của cả nước.
Bảng 36.1. Diện tích, sản lượng lúa ở Đồng bằng sông cửu Long và cả nước, năm 2002
Vùng
Tiêu chí
Đồng bằng sông Cửu Long
Cả nước
Diện tích (nghìn ha)
3834,8
7504,3
Sản lượng (triệu tấn)
17,7
34,4
Lúa được trồng chủ yếu ở các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Long An, Đồng Tháp, Sóc Trăng và Tiền Giang. Bình quân lương thực theo đầu người toàn vùng đạt 1066,3 kg, gấp 2,3 lần trung bình cả nước (năm 2002). Nhờ đó, Đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng xuất khẩu gạo chủ lực của nước ta. Nhiều địa phương đang đẩy mạnh trồng mía đường, rau đậu.
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trồng cây ăn quả lớn nhất cả nước với nhiều loại hoa quả nhiệt đới: xoài, dừa, cam, bưởi,...
Nghề nuôi vịt đàn phát triển mạnh. Vịt được nuôi nhiều nhất ở các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh.
Trong tổng sản lượng thuỷ sản cả nước, Đồng bằng sông Cửu Long chiếm hơn 50%, nhiều nhất là các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau và An Giang. Nghề nuôi trồng thủy sản, đặc biệt nghề nuôi tôm, cá xuất khẩu, đang phát triển mạnh.
Nghề rừng cũng giữ vị trí rất quan trọng, đặc biệt là trồng rừng ngập mặn ven biển và trên bán đảo Cà Mau. Các địa phương đang có biện pháp tích cực phòng chống cháy rừng, bảo vệ sự đa dạng sinh học và môi trường sinh thái rừng ngập mặn.
2. Công nghiệp
So với nông nghiệp, tỉ trọng sản xuất công nghiệp còn thấp, khoảng 20% GDP toàn vùng (năm 2002).
Bảng 36.2. Các ngành công nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long, năm 2000
Ngành sản xuất
Tỉ trọng trong cơ cấu công nghiệp của vùng (%)
Hiện trạng
Chế biến lương thực, thực phẩm
65,0
Chủ yếu là xay xát lúa gạo, chế biến thủy sản đông lạnh, làm rau quả hộp, sản xuất đường mật. Sản phẩm xuất khẩu: gạo, thủy sản đông lạnh, hoa quả đông lạnh, hoa quả. Phân bố hầu khắp các tỉnh, thành phố trong vùng,…
Vật liệu xây dựng
12,0
Các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng phân bố ở nhiều địa phương, lớn nhất là nhà máy xi măng Hà Tiên II
Cơ khí nông nghiệp, một số ngành công nghiệp khác
23,0
Phát triển cơ khí nông nghiệp. Thành phố Cần Thơ với khu công nghiệp Trà Nóc là trung tâm công nghiệp lớn nhất.
Hầu hết cơ sở sản xuất công nghiệp tập trung tại các thành phố và thị xã, đặc biệt là thành phố cần Thơ.
3. Dịch vụ
Khu vực dịch vụ ở Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm các ngành chủ yếu : xuất nhập khẩu, vận tải thuỷ, du lịch. Hàng xuất khẩu chủ lực là gạo (chiếm 80% gạo xuất khẩu của cả nước, năm 2000), thuỷ sản đông lạnh, hoa quả. Giao thông đường thuỷ giữ vai trò quan trọng trong đời sống và hoạt động giao lưu kinh tế.
Nêu ý nghĩa của vận tái thuỷ trong sản xuất và đời sống nhân dân trong vùng.
Du lịch sinh thái bắt đầu khởi sắc như du lịch trên sông nước, miệt vườn, biển đảo. Tuy nhiên chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm du lịch còn hạn chế. Đồng bằng sông Cửu Long đang được đầu tư lớn để nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế của khu vực dịch vụ.
Hình 36.2. Lược đồ kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
V. Các trung tâm kinh tế
Các thành phố Cần Thơ, Mỹ Tho, Long Xuyên, Cà Mau là những trung tâm kinh tế của vùng. Thành phố cần Thơ là trung tâm kinh tế lớn nhất.
Câu hỏi cuối bài:
1. Đồng bằng sông Cửu Long có những điều kiện thuận lợi gì để trở thành vùng sản xuất lương thực lớn nhất của cả nước ?
Những điều kiện thuận lợi để đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng sản xuất lương thực lớn nhất của cả nước:
- Diện tích tự nhiên gần 4 triệu ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp khoảnng 3 triệu ha, chiếm gần 1/3 diện tích đất nông nghiệp của cả nước.
- Đất đai màu mỡ, nhất là dải đất phù sa ngọt dọc theo sông Tiền và sông Hậu, thích hợp cho việc trồng lúa với quy mô lớn.
- Khí hậu nóng ẩm quanh năm, thời tiết ít biến động, nguồn nước sông ngòi tương đối dồi dào, thuận lợi cho việc thâm canh tăng vụ lúa.
- Sông ngòi kênh rạch chằng chịt, với hệ thống sông Tiền sông Hậu tạo nên tiềm năng về cung cấp phù sa màu mỡ, nguồn nước tưới cho sản xuất nông, cải tạo đất phèn, đất mặn.
- Nguồn lao động đông, có truyền thống, nhạy bén trong việc tiếp thu kĩ thuật và công nghệ mới về trồng lúa.
- Được Nhà nước chú trọng đầu tư cơ sở vật chất kĩ thuật (thủy lợi, trạm, trại giống ...) ,
- Nhu cầu lớn của thị trường trong nước và xuất khẩu.
2. Phát triển mạnh công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm có ý nghĩa như thế nào đối với sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long?
Ý nghĩa của việc phát triển mạnh công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm đối với sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long:
- Nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của nông sản, tăng khả năng xuất khẩu, đem lại nguồn thu lớn.
- Góp phần sử dụng và bảo quản sản phẩm lâu dài hơn, đa dạng hóa sản phẩm lương thực, thực phẩm.
- Giải quyết đầu ra ổn định cho nông sản, tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa và chuyên môn hóa.
- Làm cho nền nông nghiệp của vùng tiến dần tới mô hình sản xuất liên kết nông, công nghiệp. Đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
3. Dựa vào bảng 36.3:
Vẽ biểu đồ cột thể hiện sản lượng thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Nhận xét.
Bảng 36.3. Sản lượng thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long (nghìn tấn)
Năm
Vùng
1995
2000
2002
Đồng bằng sông Cửu Long
819,2
1169,1
1354,5
Cả nước
1584,4
2250,5
2647,4
---
Sử dụng kĩ năng vẽ biểu đồ cột
Nhận xét:
- Nhìn chung sản lượng thủy cả nước và đồng bằng sông Cửu Long đều tăng liên tục.
+ Sản lượng thủy sản cả nước tăng nhanh từ 1584,4 nghìn tấn (1995) lên 2647,4 nghìn tấn (2002), tăng gấp 1,67 lần.
+ Sản lượng thủy sản đồng bằng sông Cửu Long tăng từ 819,2 nghìn tấn (1995) lên 1354,5 nghìn tấn (2002), tăng gấp 1,65 lần.
- Sản lượng thủy sản đồng bằng sông Cửu Long luôn chiếm tỉ trọng cao trong tổng sản lượng thủy sản cả nước (trên 50%), năm 1995 thủy sản đồng bằng sông Cửu Long chiếm 51,7% so với cả nước và năm 2002 chiếm 51,2%.
Bài 36. Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (tiếp theo) được đăng ở chuyên mục Giải địa 9 và biên soạn theo sách địa lý 9. Được hướng dẫn biên soạn bởi các thầy cô giáo dạy Giỏi Địa học tư vấn, nếu thấy hay hãy chia sẻ và comment để nhiều bạn khác cùng học tập cùng.
#soanbaitap
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét