Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2020

Phong trào cách mạng trong những năm 1930-1935 - soanbaitap.com

I. Việt Nam trong thời kì khủng hoảng kinh tế thế giới (1929-1933)

- Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới (1929 - 1933) từ các nước tư bản đã lan nhanh sang các nước thuộc địa và phụ thuộc của thực dân Pháp, trong đó có Việt Nam. Vốn hoàn toàn phụ thuộc vào thực dân Pháp, nền kinh tế Việt Nam càng phải chịu những hậu quả nặng nề của cuộc khủng hoảng : nông nghiệp và công nghiệp đều bị suy sụp, xuất nhập khẩu đình đốn hàng hóa khan hiếm, giá cả đắt đỏ.
- Nhân dân lao động - đặc biệt là công nhân và nông dân, phải gánh chịu nhiều tác hại nhất. Công nhân không có việc làm, người thất nghiệp ngày một đông, người đi làm thì tiền lương giảm. Nông dân tiếp tục bị bần cùng hóa và phá sản trên quy mô lớn, ruộng đất nhanh chóng bị thâu tóm vào tay địa chủ Pháp - Việt. Các tầng lớp tiểu tư sản thành thị bị điêu đứng ; các nghề thủ công bị sa sút nặng nề, nhà buôn nhỏ phải đóng cửa; viên chức bị sa thải, học sinh ra trường không có việc làm. Một số đông tư sản dân tộc cũng lâm vào cảnh gieo neo, sập tiệm, buộc phải đóng cửa hiệu.
- Đã thế, sưu thuế mỗi ngày một tăng, hạn hán, bão lụt liên tiếp xảy ra. Trong khi đó, thực dân Pháp lại ra sức đẩy mạnh chính sách khủng bố trắng hòng dập tắt phong trào cách mạng vừa bùng nổ.
- Ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế và chính sách đàn áp, khủng bố khốc liệt của thực dân Pháp làm cho tinh thần cách mạng của nhân dân ta càng lên cao.

II. Phong trào cách mạng 1930-1931 với đỉnh cao Xô viết - Nghệ Tĩnh

- Phong trào đấu tranh của quần chúng đã bùng lên mạnh mẽ từ năm 1929 trên cả ba miền Bắc - Trung - Nam và đến năm 1930 - 1931 đã phát triển tới đỉnh cao với sự ra đời của Xô viết Nghệ - Tĩnh.

- Từ tháng 2 -1930 đã nổ ra cuộc bãi công của 3 000 công nhân đồn điền cao su Phú Riềng. Tiếp đó, trong tháng 4 là các cuộc bãi công của 4000 công nhân nhà máy sợi Nam Định, của hơn 400 công nhân nhà máy diêm và nhà máy của Bến Thủy (Vinh), nhà máy xi măng Hải Phòng, hàng dầu Nhà Bè (Sài Gòn), đồn điền cao su Dầu Tiếng ở Thủ Dầu Một (nay thuộc tỉnh Bình Dương),... Phong trào đấu tranh của nông dân đã diễn ra ở nhiều địa phương như Hà Nam, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh... Truyền đơn, cờ đỏ búa liềm của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xuất hiện trên các đường phố Hà Nội và ở một số địa phương khác.

- Phong trào đấu tranh đặc biệt mạnh mẽ từ tháng 5. Nhân ngày Quốc tế Lao động (1 - 5 - 1930), lần đầu tiên công nhân và các tầng lớp nhân dân Đông Dương tỏ rõ dấu hiệu đoàn kết với vô sản thế giới và biểu dương lực lượng của mình. Từ thành phố đến nông thôn trong cả nước, đã xuất hiện nhiều truyền đơn. Cờ Đảng, mít tinh, bãi công, biểu tình, tuần hành v.v... Các cuộc đấu tranh của công nhân đã nổ ra trong các xí nghiệp ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Hòn Gai, Cẩm Phả, Vinh - Bến Thủy, Sài Gòn - Chợ Lớn, v.v...
Các cuộc đấu tranh của nông dân cũng nổ ra ở nhiều địa phương thuộc các tỉnh Thái Bình, Hà Nam, Kiến An, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Bình Định và hầu như trên khắp các tỉnh Nam Kì.
- Nghệ - Tĩnh là nơi phong trào phát triển mạnh mẽ nhất. Tháng 9 - 1930. phong trào công - nông đã phát triển tới đỉnh cao. Khẩu hiệu đấu tranh chính trị được kết hợp với các khẩu hiệu kinh tế. Các cuộc đấu tranh diễn ra quyết liệt, quần chúng tổ chức tuần hành thị uy, biểu tình có vũ trang tự vệ, tấn công vào cơ quan chính quyền địch ở địa phương.
Trước khí thế đấu tranh của quần chúng, bộ máy chính quyền của thực dân và phong kiến tay sai ở nhiều huyện bị tê liệt, ở nhiều xã bị tan rã. Các tổ chức Đảng ở địa phương đã kịp thời lãnh đạo quần chúng thực hiện quyền làm chủ. Các Ban Chấp hành nông hội xã do các chi bộ Đảng lãnh đạo đứng ra quản lí mọi mặt đời sống chính trị và xã hội ở nông thôn, làm nhiệm vụ của chính quyền nhân dân theo hình thức Xô viết. Lần đầu tiên ở một số huyện thuộc hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
- Chính quyền cách mạng đã kiên quyết trấn áp bọn phản cách mạng, bãi bỏ các thứ thuế do đế quốc và phong kiến đặt ra, đồng thời thực hiện các quyền tự do dân chủ cho nhân dân, chia lại ruộng đất công cho nông dân, bắt địa chủ giảm tô, xóa nợ, khuyến khích nhân dân học chữ Quốc ngữ, bài trừ mê tín dị đoan và các hủ tục v.v... Các tổ chức quần chúng, từ những hình thức thấp như phường, ban, Hội tương tế, Hội thể dục đến các hình thức cao như Nông hội, Công hội, Hội phụ nữ giải phóng, Đoàn thanh niên phản đế, Hội học sinh, Hội cứu tế đỏ v.v..., đều phát triển mạnh. Việc tuyên truyền giáo dục ý thức chính trị cho quần chúng qua hội nghị, mít tinh, sách báo cách mạng được tổ chức rộng rãi. Mỗi làng đều có tổ chức các đội tự vệ vũ trang, nhờ đó trật tự trị an làng xóm được bảo đảm, nạn trộm cướp không còn.
- Hoảng sợ trước phong trào quần chúng lên cao và trước ảnh hưởng của Đảng ngày càng lớn mạnh, thực dân Pháp đã tiến hành khủng bố cực kì tàn bạo. Chúng cho máy bay ném bom tàn sát đẫm máu cuộc biểu tình của nông dân huyện Hưng Nguyên Nghệ An) ngày 12 - 9 - 1930 ; điều động lính Pháp vá linh khố xanh về đóng chốt tại Vinh - Bến Thủy, cho quân đốt phá, triệt hạ làng mạc. Chúng còn ra sức sử dụng những thủ đoạn chia rẽ, dụ dỗ và mua chuộc. Nhiều cơ quan lãnh đạo của Đảng bị phá hoại, hàng vạn cán bộ, đảng viên và chiến sĩ yêu nước bị bắt, bị tù đày hoặc bị giết. Mặc bị kẻ thù dập tắt trong máu lửa, phong trào Xô viết Nghệ -Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam. Phong trào thất bại, song có một ý nghĩa lịch sử to lớn.

III. Lực lượng cách mạng được phục hồi

- Từ cuối năm 1931, cách mạng Việt Nam bước vào thời kì vô cùng khó khăn. Thực dân Pháp và phong kiến tay sai thẳng tay thi hành chính sách khủng bố cực kì tàn bạo. Nhiều chiến sĩ cộng sản, hàng vạn người yêu nước bị bắt, bị giết hoặc bị tù đày. Các cơ quan lãnh đạo của Đảng ở trung ương và địa phương lần lượt
bị phá vỡ.
- Nhưng trong nhà tù, các đảng viên cộng sản và những người yêu nước vẫn nêu cao khí phách kiên cường, bất khuất, kiên trì đấu tranh bảo vệ lập trường, quan điểm cách mạng của Đảng, biến nhà tù thành trường học cách mạng và vẫn tìm cách liên hệ với cơ sở Đảng ở bên ngoài. Số đảng viên còn lại ở bên ngoài cũng âm thầm tìm cách gây dựng lại các tổ chức cơ sở của Đảng và quần chúng.
- Bất chấp sự khủng bố, đánh phá ác liệt của địch, các tổ chức cơ sở của Đảng ở các địa - phương vẫn tồn tại và kiên trì bám chắc quần chúng để hoạt động, đồng thời còn lợi dụng các tổ chức công khai, hợp pháp của kẻ thù để đẩy mạnh đấu tranh. Tại các thành phố Hà Nội, Sài Gòn, một số đảng viên cộng sản đã tranh thủ các khả năng đấu tranh hợp pháp để ra tranh cử vào các hội đồng thành phố. Lợi dụng diễn đàn công khai để tuyên truyền cổ động quần chúng theo các khẩu hiệu của Đảng.
- Cuối năm 1934 đầu năm 1935, hệ thống tổ chức Đảng ở trong nước nói chung đã được khôi phục. Các xứ ủy Bắc Kì, Trung Kì, Nam Kì lần lượt được lặp lại, các đoàn thể công hội, Nông hội và các tổ chức của các lực lượng xã hội khác cũng được lập lại. Khắp nơi trong nước, phong trào đã dần dần được phục hồi. Đến tháng 3 - 1935, Đại hội lần thứ nhất của Đảng họp ở Ma Cao (Trung Quốc) chuẩn bị cho một cao trào cách mạng mới.

Soạn sử 9 tổng hợp gồm các bài trả lời câu hỏi in nghiêng giữa bài và giải các bài tập trong sách giáo khoa lịch sử 9, các bài giải lịch sử 9 chi tiết nhất giúp các bạn học tốt sinh học lớp 9

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



#soanbaitap

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét