Giải bài tập câu hỏi thảo luận trang 19 SGK Lịch sử 11
Đề bài
Dựa vào lược đồ (hình 9), trình bày những nét chính về quá trình xâm lược của các nước đế quốc ở Đông Nam Á.
Phương pháp giải - Xem chi tiết
dựa vào sgk Lịch sử 11 trang 18, 19 để trả lời.
Lời giải chi tiết
Từ giữa thế kỉ XIX, các nước thực dân phương Tây từng bước hoàn thành việc xâm lược các nước Đông Nam Á, trừ Xiêm. Quá trình xâm lược ấy diễn ra:
- Ở In-đô-nê-xi-a, Hà Lan hoàn thành việc xâm chiếm và thiết lập nền thống trị vào giữa thế kỉ XIX.
- Phi-líp-pin bị thực dân Tây Ban Nha thống trị từ giữa thế kỉ XVI. Sau đó, đế quốc Mĩ tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Phi-líp-pin (1899-1902) và biến quần đảo này thành thuộc địa của mình.
- Ở Miến Điện (nay là Mi-an-ma), năm 1885 bị Anh thôn tính rồi sát nhập thành một tỉnh của Ấn Độ thuộc Anh.
- Mã Lai (nay thuộc Ma-lai-xi-a và Xin-ga-po), trở thành thuộc địa của Anh vào đầu thế kỉ XX.
- Ở ba nước Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia, thực dân Pháp hoàn thành việc xâm lược vào cuối thế kỉ XIX và bắt đầu thi hành chính sách bóc lột, khai thác thuộc địa.
- Nhờ chính sách ngoại giao mềm dẻo, khôn khéo của vua Ra-ma V, Xiêm là nước duy nhất ở Đông Nam Á giữ được nền độc lập tương đối ổn định về chính trị.
Giải bài tập câu hỏi thảo luận trang 20 SGK Lịch sử 11
Đề bài
Hãy nêu những nét lớn trong phong trào đấu tranh chống thực dân Hà Lan của nhân dân In-đô-nê-xi-a cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX.
Phương pháp giải - Xem chi tiết
dựa vào sgk Lịch sử 11 trang 19, 20 để trả lời.
Lời giải chi tiết
* Nguyên nhân: chính sách thống trị của thực dân Hà Lan đã làm bùng nổ nhiều cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
* Diễn biến:
- Tháng 10-1873, nhân dân A-chê đã anh dũng chiến đấu chống lại 3 000 quân Hà Lan đổ bộ lên vùng này. Quân Hà Lan tuy chiếm được hoàng cung nhưng vẫn không chinh phục được A-chê.
- Tiếp đó là các cuộc khởi nghĩa ở Tây Xu-ma-tơ-ra (1873-1909), Ba Tắc (1878-1907), Ca-li-man-tan (1884-1886).
- Phong trào đấu tranh của nông dân nổ ra mạnh mẽ, điển hình là cuộc khởi nghĩa nông dân năm 1890 do Sa-min lãnh đạo.
- Các tổ chức chính trị của công nhân ra đời như: Hiệp hội công nhân đường sắt (1905), Hiệp hội công nhân xe lửa (1908),…
- Tháng 12-1914, Liên minh xã hội dân chủ Inđônêxia ra đời, nhằm tuyên truyền chủ nghĩa Mác trong công nhân đặt cơ sở cho Đảng Cộng sản ra đời (5-1920).
* Nhận xét:
- Giai cấp tư sản dân tộc, tầng lớp trí thức tiếp thu tư tưởng dân chủ tư sản châu Âu, đóng vai trò nhất định trong phong trào yêu nước ở Inđônêxia đầu thế kỉ XX.
- Vì vậy phong trào yêu nước mang màu sắc mới theo khuynh hướng dân chủ tư sản với sự tham gia của công nhân và tư sản.
Giải bài tập câu hỏi thảo luận số 1 trang 21 SGK Lịch sử 11
Đề bài
So sánh những điểm giống và khác nhau giữa hai xu hướng đấu tranh ở Phi-lip-pin.
Phương pháp giải - Xem chi tiết
dựa vào sgk Lịch sử 11 trang 20, 21 để so sánh.
Lời giải chi tiết
* Giống nhau:
- Đều là những phong trào yêu nước, chống thực dân Tây Ban Nha.
- Đều thể hiện tinh thần dân tộc, cổ vũ nhân dân cả nước đứng lên đấu tranh, giành độc lập dân tộc.
* Khác nhau:
Nội dung |
Xu hướng cải cách |
Xu hướng bạo động |
Lãnh đạo |
Hô-xê Ri-dan | Bô-ni-pha-xi-ô |
Lực lượng tham gia |
Trí thức yêu nước, địa chủ và tư sản tiến bộ, một số dân nghèo. | Nông dân, dân nghèo thành thị. |
Hình thức đấu tranh |
Đấu tranh ôn hòa | Đấu tranh vũ trang, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa ngày 28-8-1896. |
Chủ trương đấu tranh |
Tuyên truyền, khơi dậy ý thức dân tộc, đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho người Phi-lip-pin. | Đấu tranh lật đổ ách thống trị của Tây Ban Nha, xây dựng quốc gia độc lập. |
Thành lập tổ chức |
“Liên minh Phi-lip-pin”. | “Liên hiệp những người con yêu quý của nhân dân”. |
Kết quả, ý nghĩa |
Tuy thất bại nhưng đã thức tỉnh tinh thần dân tộc, chuẩn bị tư tưởng cho cao trào cách mạng sau này. | Thất bại, nhưng đã giải phóng được nhiều vùng, thành lập chính quyền nhân dân, tiến tới thành lập nền cộng hòa. |
Giải bài tập câu hỏi thảo luận số 2 trang 21 SGK Lịch sử 11
Đề bài
Cách mạng năm 1896 ở Phi-lip-pin diễn ra như thế nào?
Phương pháp giải - Xem chi tiết
dựa vào sgk LỊch sử 11 trang 21 để trả lời.
Lời giải chi tiết
* Diễn biến cách mạng năm 1896 ở Phi-lip-pin:
- Không tán thành đường lối cải cách ôn hòa, tháng 7-1896, Bô-ni-pha-xi-ô đã tách khỏi Liên minh Phi-lip-pin, thành lập “Liên hiệp những người con yêu quá của nhân dân”.
- Ngày 28-8-1896, Bô-ni-pha-xi-ô phát lệnh khởi nghĩa với khẩu hiệu “Chiến thắng hay là chết” và được nhân dân hưởng ứng nhiệt liệt.
- Phong trào kháng chiến lan rộng, đã giải phóng được nhiều vùng đất, chính quyền nhân dân được thiết lập, tiến hành chia ruộng đất cho nông dân và tiến tới thành lập nền cộng hòa.
- Sau đó, Bô-ni-pha-xi-ô bị sát hại, KATIPUNAN tan rã (1897). Cách mạng kết thúc.
* Ý nghĩa: Cuộc khởi nghĩa năm 1896 ở Phi-lip-pin được coi là cuộc cách mạng mang tính chất tư sản, chống đế quốc đầu tiên ở Đông Nam Á, đánh dấu sự thức tỉnh của nhân dân Phi-lip-pin trong cuộc đấu tranh giành độc lập.
Giải bài tập câu hỏi thảo luận số 3 trang 21 SGK Lịch sử 11
Đề bài
Âm mưu và thủ đoạn của Mỹ đối với Phi-lip-pin như thế nào?
Phương pháp giải - Xem chi tiết
dựa vào sgk Lịch sử 11 trang 21 để trả lời.
Lời giải chi tiết
* Âm mưu: Mở rộng xâm lược, bành trướng sang bờ Tây Thái Bình Dương, giành quyền đô hộ Phi-lip-pin từ Tây Ban Nha.
* Thủ đoạn:
- Tháng 4-1898, Mĩ gây chiến với Tây Ban Nha dưới danh nghĩa ủng hộ cuộc đấu tranh chống thực dân của nhân dân Phi-líp-pin.
- Tháng 6-1898, Mĩ dựng A-ghi-nan-đô lên làm Tổng thống nước Cộng hòa Phi-líp-pin.
- Sau khi Tây Ban Nha thua trận, quân Mĩ đổ bộ chiếm Ma-ni-la và nhiều nơi trên quần đảo. Nghĩa quân Phi-líp-pin chuyển sang đấu tranh chống Mĩ xâm lược.
- Cuộc kháng chiến của nhân dân Phi-líp-pin chống Mĩ diễn ra trong tình trạng không cân sức, kéo dài đến năm 1902 thì bị dập tắt. Từ đây, Phi-líp-pin trở thành thuộc địa của Mĩ.
Giải bài tập câu hỏi thảo luận số 1 trang 23 SGK Lịch sử 11
Đề bài
Trình bày diễn biến chính các cuộc khởi nghĩa chống Thực dân Pháp của nhân dân Cam-pu-chia.
Phương pháp giải - Xem chi tiết
dựa vào sgk Lịch sử 11 trang 22, 23 để trả lời.
Lời giải chi tiết
Dưới ách thống trị của thực dân Pháp, nhiều cuộc khởi nghĩa diễn ra sôi nổi trong cả nước:
- Cuộc khởi nghĩa của Hoàng thân Si-vô-tha (1861-1892):
+ Bất bình về thái độ nhu nhược của triều đình, Si-vô-tha đã tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân nổi dậy khởi nghĩa, tấn công thẳng vào quân Pháp ở cố đô U-đông và Phnôm-Pênh, mở rộng địa bàn hoạt động.
+ Tháng 10-1892, Si-vô-tha qua đời vì bệnh nặng. Sau đó, phong trào suy yếu dần và tan rã.
- Cuộc khởi nghĩa của A-cha-xoa (1863-1866):
+ Ban đầu, A-cha Xoa tham gia phong trào của Si-vô-tha. Do phong trào này bị đàn áp, ông và nhiều nghĩa quân phải lánh sang Việt Nam, ở vùng Châu Đốc, Tịnh Biên. Nhân dân Việt Nam sẵn sàng giúp đỡ A-cha-xoa chống Pháp.
+ Từ vùng núi Thất Sơn, A-cha Xoa lấy Châu Đốc, Hà Tiên làm bàn đạp tấn công quân Pháp ở Cam-pu-chia. Năm 1864, có lần nghĩa quân đã chiếm được tỉnh Cam-pốt và áp sát Phnôm-Pênh. Hoạt động của nghĩa quân trong các năm 1864-1865 càng mạnh mẽ.
+ Ngày 19-3-1866, do bị thương mạn-h, A-cha Xoa bị Pháp bắt, cuộc khởi nghĩa thất bại.
- Cuộc khởi nghĩa của Pu-côm-bô (1866-1867):
+ Năm 1866, Pu-côm-bô phát động cuộc khởi nghĩa và lập căn cứ ở Tây Ninh.
+ Nghĩa quân đã liên minh chiến đấu chặt chẽ người dân tộc ở Việt Nam. Khi lực lượng mạnh, Pu-côm-bô tiến quân về nước kiểm soát Pa-man, tấn công U-đông (17-12-1866).
+ Ngày 3-12-1867, Pu-côm-bô hy sinh, cuộc khởi nghĩa thất bại.
Giải bài tập câu hỏi thảo luận số 2 trang 23 SGK Lịch sử 11
Đề bài
Nhân dân 2 nước Việt Nam và Cam-pu-chia đã đoàn kết chiến đấu như thế nào trong các cuộc khởi nghĩa của A-cha Xoa và Pu-côm-bô?
Phương pháp giải - Xem chi tiết
dựa vào sgk Lịch sử 11 trang 22, 23 để trả lời.
Lời giải chi tiết
* Trong cuộc khởi nghĩa của A-cha-xoa (1863-1866):
- Khi phong trào Si-vô-tha bị đàn áp, A-cha Xoa và nghĩa quân đã nhiều lần lánh sáng Việt Nam. Nhân dân Việt Nam ở vùng Châu Đốc, Tịnh Biên đã sẵn sàng giúp đỡ.
- Từ vùng núi Thất Sơn, A-cha Xoa lấy Châu Đốc, Hà Tiên làm bàn đạp tấn công quân Pháp ở Cam-pu-chia. Biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia trở thành vùng căn cứ cho cuộc khởi nghĩa của A-cha Xoa.
* Cuộc khởi nghĩa của Phu-côm-bô (1866-1867):
- Năm 1866, Pu-côm-bô phát động cuộc khởi nghĩa chống Pháp và lập căn cứ ở Tây Ninh. Nghĩa quân gồm người Khơ-me, người Chăm, người X tiêng, người Kinh, Trương Quyền (con Trương Định) và Võ Duy Dương (Thiên hộ Dương) đã liên kết với nghĩa quân Pu-côm-bô đánh Pháp.
- Nhân dân Việt Nam ở ba tỉnh miền Tây Nam Kì thường xuyên cung cấp lương thực, vũ khí cho nghĩa quân.
Giải bài tập câu hỏi thảo luận trang 24 SGK Lịch sử 11
Đề bài
Nêu những cuộc khởi nghĩa tiêu biểu trong phong trào chống Pháp của nhân dân Lào đầu thế kỉ XX.
Phương pháp giải - Xem chi tiết
dựa vào sgk Lịch sử 11 trang 23, 24 để trả lời.
Lời giải chi tiết
Những cuộc khởi nghĩa tiêu biểu trong phong trào chống Pháp của nhân dân Lào đầu thế kỉ XX:
- Mở đầu là cuộc khởi nghĩa của Pha-ca-đuốc (1901-1903). Phong trào phát triển nhanh chóng, giải phóng Xa-van-na-khét, mở rộng hoạt động sang cả vùng biên giới Lào - Việt.
- Cuộc khởi nghĩa do Ong Kẹo, Com-ma-đam chỉ huy (1901-1937), diễn ra trên cao nguyên Bô-lô-ven.
- Khởi nghĩa của Châu Pa-chay (1918-1922), diễn ra ở Bắc Lào và Tây Bắc Việt Nam.
⟹ Các cuộc khởi nghĩa trên đều diễn ra rất sôi nổi và quyết liệt, thể hiện tinh thần đấu tranh bất khuất của dân tộc, song kết quả đều thất bại.
Giải bài tập câu hỏi thảo luận số 1 trang 25 SGK Lịch sử 11
Đề bài
Trình bày các biện pháp cải cách của Ra-ma V.
Phương pháp giải - Xem chi tiết
dựa vào sgk Lịch sử 11 trang 24, 25 để trả lời.
Lời giải chi tiết
Các biện pháp cải cách của Ra-ma V:
* Về kinh tế:
- Nông nghiệp: giảm nhẹ thuế ruộng, xóa bỏ chế độ lao dịch.
- Công thương nghiệp:
+ Khuyến khích tư nhân bỏ vốn kinh doanh, xây dựng nhà máy xay xát lúa gạo, nhà máy cưa, mở hiệu buôn và ngân hàng.
+ Tư bản nước ngoài được phép đầu tư kinh doanh.
* Về chính trị:
- Vua vẫn là người có quyền lực tối cao.
- Bên cạnh vua có Hội đồng Nhà nước, đóng vai trò là cơ quan tư vấn, khởi thảo luật pháp, hoạt động gần như một nghị viện.
- Bộ máy hành pháp của triều đình được thay bằng Hội đồng Chính phủ, gồm 12 bộ trưởng, do các hoàng thân du học ở phương Tây về đảm nhiệm.
- Quân đội, tòa án, trường học được cải cách theo khuôn mẫu phương Tây.
* Về xã hội: xóa bỏ hoàn toàn chế độ nô lệ vì nợ, giải phóng người lao động.
* Về đối ngoại: Thực hiện chính sách ngoại giao mềm dẻo.
- Chủ động "mở cửa", quan hệ với tất cả các nước.
- Lợi dụng vị trí “nước đệm” giữa hai nước Anh - Pháp.
- Cắt nhượng một số vùng đất phụ thuộc (vốn là lãnh thổ của Cam-pu-chia, Lào và Mã Lai) để giữ gìn chủ quyền của đất nước.
Giải bài tập câu hỏi thảo luận số 2 trang 25 SGK Lịch sử 11
Đề bài
Những cải cách của Ra-ma V có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của Xiêm?
Phương pháp giải - Xem chi tiết
dựa vào sgk Lịch sử 11 trang 25, suy luận để trả lời.
Lời giải chi tiết
Những cải cách của Ra-ma V có ý nghĩa:
- Đưa nền kinh tế của Xiêm phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa, ổn định tình hình chính trị - xã hội, xây dựng được quân đội vững mạnh.
- Giúp Xiêm giữ vững chủ quyền đất nước, thoát khỏi số phận trở thành thuộc địa như các nước khác. Mặc dù còn phải chịu nhiều lệ thuộc về kinh tế, chính trị vào Anh, Pháp.
Giải bài tập 1 trang 26 SGK Lịch sử 11
Đề bài
Nêu những nét chính về tình hình các nước Đông Nam Á vào cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX.
Phương pháp giải - Xem chi tiết
Dựa vào kiến thức cả bài để suy luận trả lời.
Lời giải chi tiết
Những nét chính về tình hình các nước Đông Nam Á vào cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX:
- Từ cuối thế kỉ XIX, chế độ phong kiến ở các nước Đông Nam Á lâm vào tình trạng khủng hoảng, suy yếu.
- Từ nửa sau thế kỉ XIX, các nước Đông Nam Á đều trở thành thuộc địa của các nước thực dân phương Tây (trừ Xiêm).
- Sự xâm lược và đô hộ của các nước thực dân phương Tây đã gây nên những chuyển biến lớn trong xã hội, các phong trào đấu tranh vì độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội ở các nước Đông Nam Á diễn ra mạnh mẽ.
Giải bài tập 2 trang 26 SGK Lịch sử 11
Đề bài
Em có nhận xét gì về hình thức đấu tranh giải phóng dân tộc ở Đông Nam Á cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX.
Phương pháp giải - Xem chi tiết
Dựa vào kiến thức cả bài để đưa ra nhận xét, đánh giá.
Lời giải chi tiết
Nhận xét về hình thức đấu tranh giải phóng dân tộc ở Đông Nam Á cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX:
- Các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở Đông Nam Á cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX diễn ra liên tục, sôi nổi với nhiều hình thức như: Khởi nghĩa vũ trang, cải cách ôn hòa,… chủ yếu là đấu tranh vũ trang với sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân.
- Phong trào đấu tranh vào giai đoạn sau có sự ra đời của các tổ chức chính trị. Thể hiện bước phát triển của phong trào.
- Tuy nhiên, các phong trào đấu tranh đều thất bại vì còn mang tính tự phát, nổ ra lẻ tẻ chưa có sự đoàn kết giữa các dân tộc, song sẽ tạo điều kiện tiền đề cho những giai đoạn sau.
Giải bài tập 3 trang 26 SGK Lịch sử 11
Đề bài
Vì sao Xiêm là nước duy nhất trong khu vực Đông Nam Á không trở thành thuộc địa của các nước tư bản phương Tây?
Phương pháp giải - Xem chi tiết
Dựa vào sgk Lịch sử 11 trang 24, 25 để lí giải.
Lời giải chi tiết
Xiêm là nước duy nhất trong khu vực Đông Nam Á không trở thành thuộc địa của các nước tư bản phương Tây, vì:
- Nhờ những chính sách cải cách của Ra-ma V:
+ Những chính sách cải cách toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, xã hội, quân sự, giáo dục,…
+ Các chính sách cải cách của Xiêm đi theo hướng "mở cửa". Chính cuộc cải cách này đã giúp Xiêm hòa nhập vào sự phát triển chung của chủ nghĩa tư bản thế giới.
- Nhờ chính sách đối ngoại "mềm dẻo":
+ Chủ động "mở cửa", quan hệ với tất cả các nước.
+ Lợi dụng vị trí “nước đệm” giữa hai nước Anh - Pháp.
+ Cắt nhượng một số vùng đất phụ thuộc (vốn là lãnh thổ của Cam-pu-chia, Lào và Mã Lai) để giữ gìn chủ quyền của đất nước.
Soạn sử 11 tổng hợp gồm các bài trả lời câu hỏi in nghiêng giữa bài và giải các bài tập trong sách giáo khoa lịch sử 11, các bài giải sử 11 chi tiết nhất giúp các bạn học tốt sinh học lớp 11
#soanbaitap
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét