Thứ Năm, 2 tháng 7, 2020

Đề tập huấn thi THPT Quốc gia năm 2020 môn Văn tỉnh Bắc Ninh - soanbaitap.com

Đề tập huấn thi THPT Quốc gia năm 2020 môn Văn tỉnh Bắc Ninh được biên soạn bám sát cấu trúc đề tham khảo tốt nghiệp THPT 2020 môn Văn của Bộ GD&ĐT; đáp án và lời giải chi tiết của đề thi sẽ được giải và biên soạn bởi nhiều thầy cô dạy Ngữ văn uy tín, được cập nhật nhanh nhất, đầy đủ nhất tại Soanbaitap.com.

Đề tập huấn thi THPT Quốc gia năm 2020 môn Văn tỉnh Bắc Ninh thuộc phần: Đề thi thử THPT Quốc gia 2020 môn Văn có Đáp án, lời giải chi tiết

Đề Thi

SỞ GIÁO DỤC ĐÀO TẠO BẮC NINH
PHÒNG QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG
(Đề có 02 trang)
ĐỀ TẬP HUẤN KỲ THI THPT QUỐC GIA

NĂM HỌC 2019 - 2020

Bài thi: Ngữ văn

Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

(1) Trong mỗi chú bé đều âm ỉ giấc mơ bay lên. Tôi cũng thấy thế. Em chắc vẫn còn nuôi giấc mơ đó. Nhưng khi lớn lên, đôi khi những tầng mây thâm thấp thôi cũng khiến ta như bị che khuất tầm nhìn. Tệ hơn, những tầng mây sũng nước thậm chí có thể che khuất cả những giấc mơ, đè nén khát vọng của mỗi người. Một ngày mây mù có thể khiến ta yếu ớt và bi lụy. Một chút thất bại cũng như mây mù kéo đến, có thể làm em rút vào tổ kén u uất, bi quan. Ai đó nói rằng cách tốt nhất để hóa giải khó khăn là đi xuyên qua nó. Đi xuyên qua mây mù bằng giấc mơ phi công gìn giữ từ thơ bé. Đi xuyên qua gian khó bằng lòng lạc quan. Đi xuyên qua u mê bằng khao khát hướng đến trí tuệ, thông sáng. Đi xuyên qua thất bại bằng sự điềm đạm trưởng thành.

(2) Vì triệu năm đã là như thế, cuộc đời có hôm nắng đẹp, có ngày mưa dầm, có tuần mây đen như đè nặng, có khoảnh khắc u ám tối dạ, rỗng đầu, nhưng Mặt Trời vẫn mọc mỗi sớm mai. Không phải ai cũng có thể trở thành phi công lái Airbus hay Boeing đúng y như giấc mơ tuổi nhỏ. Nhưng ai cũng có thể học cách giữ cho mình giấc mơ bay xuyên qua những tầng mây, đón nắng rọi sáng tâm hồn khiến nụ cười luôn nở trên môi mỗi người.

(Bay xuyên những tầng mây, Hà Nhân, NXB Văn học, 2016, tr.98)

Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Câu 2. Nêu hiệu quả của phép liệt kê được sử dụng trong đoạn (2).

Câu 3. Vì sao tác giả lại cho rằng cách tốt nhất để hóa giải khó khăn là đi xuyên qua nó?

Câu 4. Điều anh/chị tâm đắc nhất từ đoạn trích trên là gì? Vì sao?

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1. (2.0 điểm)

Từ nội dung của phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bàn về vai trò của ước mơ đối với tuổi trẻ.

Câu 2. (5.0 điểm)

Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước

những núi Vọng Phu

Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái

Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại

Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất Tổ Hùng Vương

Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm

Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình núi Bút;

non Nghiên

Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành

thắng cảnh

Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang,

Bà Đen, Bà Điểm

Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi

Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha

Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy

Những cuộc đời đã hóa núi sông ta...

(Trích Đất Nước, trường ca Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm

Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, tr.120)

Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ trên. Từ đó, nhận xét về cách sử dụng chất liệu văn hóa dân gian của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.

===== Hết =====

Đáp án, lời giải chi tiết

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: nghị luận/ phương thức nghị luận

Câu 2. Hiệu quả của phép liệt kê được sử dụng trong đoạn (2):

- Nhấn mạnh cuộc sống muôn màu muôn vẻ, ẩn chứa nhiều tình huống bất ngờ, phong phú chờ đón chúng ta nhưng nếu biết lạc quan thì điều tốt đẹp sẽ tới.

- Tạo tính hình tượng cho lời văn

Câu 3. Tác giả cho rằng cách tốt nhất để hóa giải khó khăn là đi xuyên qua nó bởi khi ta có đủ dũng cảm dám đối mặt với thử thách, không né tránh, không nản lòng, tìm cách khắc phục, giải quyết khó khăn, con người sẽ vững vàng, trưởng thành, rèn luyện bản lĩnh và thành công.

Câu 4. 

Thí sinh có thể trả lời theo suy nghĩ, quan điểm của cá nhân nhưng cần lí giải một cách logic, phù hợp với chuẩn mực đạo đức, pháp luật.

Gợi ý:

- Không ngừng nuôi dưỡng ước mơ, khát vọng cho bản thân trong mọi hoàn cảnh vì ước mơ giúp con người sống có ý nghĩa, có lí tưởng, có khát vọng và hoài bão...

- Trong cuộc sống, con người có lúc gặp phải khó khăn, thử thách, thất bại, thậm chí là mất mát nhưng nếu con người có bản lĩnh và kiên trì sẽ vượt qua tất cả...

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1. (2.0 điểm)

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Vai trò của ước mơ đối với tuổi trẻ

c. Triển khai vấn đề nghị luận

Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ được suy nghĩ về vai trò của ước mơ đối với tuổi trẻ. Có thể theo hướng sau:

- Ước mơ là những điều tốt đẹp trong tương lai mà con người luôn hướng tới, mong muốn khao khát đạt được nó.

- Ước mơ có vai trò vô cùng quan trọng đối với con người, đặc biệt là với tuổi trẻ:

+ Giúp các bạn trẻ định hướng tương lai, sống có mục đích, vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, thử thách để đạt được thành công.

+ Giúp người trẻ tạo động lực sống có ý nghĩa với tập thể, xã hội, cộng đồng.

- Để thực hiện được ước mơ, con người cần trang bị cho mình những kiến thức và kĩ năng cần thiết. Đồng thời cũng cần cả lòng kiên trì và ý chí để thực hiện và theo đuổi ước mơ.

- Phê phán những người sống không có ước mơ, hoài bão, lí tưởng…

- Mở rộng. rút ra bài học.

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề cần nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ

Câu 2. (5.0 điểm)

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Cảm nhận về đoạn thơ và nhận xét về cách sử dụng chất liệu văn hóa dân gian của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:

* Giới thiệu về tác giả Nguyễn Khoa Điềm, đoạn trích Đất Nước (hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ, khái quát ngắn gọn về tư tưởng Đất Nước của Nhân dân) và nội dung chính của đoạn trích.

* Cảm nhận về đoạn thơ:

- Về nội dung:

+ Tám câu thơ đầu: Đất nước được gợi ra qua các địa danh, danh thắng nổi tiếng trải dài theo bản đồ địa lí từ Bắc vào Nam, từ miền núi đến đồng bằng, từ đất liền ra hải đảo. Qua đó, nhà thơ đã thể hiện cái nhìn mới mẻ, sự phát hiện lí thú về các địa danh. Mỗi cảnh sắc thiên nhiên của đất nước không chỉ là sản phẩm của tạo hóa mà còn là sự hóa thân của biết bao cuộc đời, bao số phận, cảnh ngộ của nhân dân để làm nên đất nước tươi đẹp: núi Vọng Phu, hòn Trống Mái: đất nước thủy chung, nồng thắm ân tình; gót ngựa của Thánh Gióng..., ... đất Tổ Hùng Vương: đất nước bất khuất, anh hùng; núi Bút, non Nghiên: đất nước nghìn năm văn hiến; dòng sông xanh thẳm, con cóc, con gà: đất nước tươi đẹp, dân dã; Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm: đất nước bình dị, mộc mạc.

+ Bốn câu thơ sau: Khái quát về vai trò của Nhân dân trong việc tạo dựng nên không gian địa lí của Đất Nước. Nhân dân chính là người đã hóa thân thầm lặng, đóng góp cuộc đời, số phận, máu xương của mình cho mỗi ngọn núi, dòng sông, ruộng đồng, gò bãi trên khắp mọi miền để làm nên không gian rộng lớn, tươi đẹp của Đất nước.

=> Nguyễn Khoa Điềm đã thể hiện một cái nhìn khám phá đậm chất nhân văn về vai trò, sự hóa thân của Nhân dân trong việc sáng tạo nên không gian địa lí của Đất Nước. Từ đó góp phần làm nổi bật tư tưởng Đất Nước của

Nhân dân.

- Về nghệ thuật:

+ Thể thơ tự do, biện pháp liệt kê các danh lam thắng cảnh kết hợp với điệp từ “góp” và điệp cấu trúc “những ... góp”

+ Cấu trúc thơ quy nạp đi từ liệt kê những hiện tượng cụ thể đến khái quát mang tính triết lí sâu sắc.

+ Giọng thơ thủ thỉ, tâm tình như lời trò chuyện.

+ Sự hòa quyện giữa chất chính luận và chất trữ tình, giữa suy tư sâu lắng và cảm xúc nồng nàn.

* Nhận xét về cách sử dụng chất liệu văn hóa dân gian của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.

- Các địa danh, danh thắng đều gợi nhắc đến các truyền thuyết, sự tích dân gian nhằm ca ngợi vẻ đẹp của Đất nước và khẳng định vai trò đóng góp của Nhân Dân trên bình diện không gian địa lí.

- Những địa danh và các truyền thuyết, sự tích ấy qua cách khám phá, lý giải của nhà thơ đã trở nên mới lạ, hấp dẫn, khiến cho Đất Nước trở nên gần gũi, gắn bó, thân thuộc với mỗi người.

- Việc sử dụng sáng tạo chất liệu văn hóa, văn học đã cho thấy vốn hiểu biết uyên bác, tình yêu quê hương đất nước sâu nặng, phong cách thơ đậm chất trữ tình nồng nàn và suy tư sâu sắc của thi sĩ.

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề cần nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.

-/-

Đề tập huấn thi THPT Quốc gia năm 2020 môn Văn tỉnh Bắc Ninh được biên soạn và chia sẻ bởi quý thầy, cô giáo và các tập thể giáo viên dạy Anh văn uy tín trên toàn quốc, đảm bảo độ chính xác cao, dễ hiểu. Được Soanbaitap.com tổng hợp và đăng trong chuyên mục Đề Thi, nếu thấy hay hãy chia sẻ và comment để nhiều thầy cô cùng các bạn học sinh khác tiện tra cứu và tham khảo.



#soanbaitap

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét