Thứ Năm, 2 tháng 7, 2020

Đề thi thử THPT Quốc gia 2020 môn Văn TP Biên Hòa (Đồng Nai) - soanbaitap.com

Đề thi thử THPT Quốc gia 2020 môn Văn TP Biên Hòa (Đồng Nai) được biên soạn bám sát cấu trúc đề tham khảo tốt nghiệp THPT 2020 môn Văn của Bộ GD&ĐT; đáp án và lời giải chi tiết của đề thi sẽ được giải và biên soạn bởi nhiều thầy cô dạy Ngữ văn uy tín, được cập nhật nhanh nhất, đầy đủ nhất tại Soanbaitap.com.

Đề thi thử THPT Quốc gia 2020 môn Văn TP Biên Hòa (Đồng Nai) thuộc phần: Đề thi thử THPT Quốc gia 2020 môn Văn có Đáp án, lời giải chi tiết

Đề thi

PHẦN I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện yêu cầu

Chúng ta thường có khuynh hướng ngả theo những lựa chọn dễ dàng, những con đường bằng phẳng và chỉ làm những gì cần thiết để hoàn thành công việc. Song, nếu chúng ta chỉ chấp nhận những mức độ sẵn có, chẳng muốn gắng sức vươn lên một tầm cao mới, thì mãi mãi bản thân ta cũng chỉ là một con người bình thường như bao người khác và lúc nào cũng dậm chân tại chỗ.

Luôn cố gắng phát huy khả năng của bạn đến mức xuất sắc là điều rất quan trọng trong cuộc sống. Bạn hãy xem xét những công việc nhỏ mà bạn thường làm, rồi tự hỏi xem: Mình có thể thực hiện chúng cách nào tốt hơn?

Ví dụ như: bạn hãy quét dọn, lau chùi nhà cửa, rửa xe tỉ mỉ hơn, sạch sẽ hơn hay sẵn sàng làm thêm một số công việc nơi công sở để công việc tiến triển ngày càng tốt. Nếu bạn biết đặt ra cho mình một tiêu chuẩn cao trong bất kỳ công việc nào thì chắc chắn bạn sẽ thấy hài lòng hơn về chính mình.

Khi bạn quyết tâm làm mọi việc với một kết quả tốt nhất, nội tâm và cảm xúc trong bạn sẽ sâu sắc hơn, bạn sẽ thấy cuộc đời mình đổi thay đáng kể và con đường tiến tới thành công sẽ rộng mở trước mắt bạn, dù có thể trước đó bạn thấy nó dường như đã đóng kín.

(Thay thái độ, đổi cuộc đời – Keith D. Harrell)

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Câu 2. Theo tác giả, chúng ta thường có xu hướng ngả theo lựa chọn nào?

Câu 3. Những ví dụ được nêu trong đoạn trích trên có tác dụng gì?

Câu 4. Anh/chị có đồng tình với ý kiến: “Nếu bạn biết đặt ra cho mình một tiêu chuẩn cao trong bất kỳ công việc nào thì chắc chắn bạn sẽ thấy hài lòng hơn về chính mình.”? Vì sao?

PHẦN II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1. (2.0 điểm)

Dựa trên nội dung phần Đọc hiểu, Anh/chị hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) bàn về ý nghĩa của sự “Quyết Tâm”

Câu 2. (5.0 điểm)

Cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ đang yêu qua đoạn thơ sau:

Con sóng dưới lòng sâu,
Con sóng trên mặt nước,
Ôi con sóng nhớ bờ,
Ngày đêm không ngủ được,
Lòng em nhớ đến anh,
Cả trong mơ còn thức.

Dẫu xuôi về phương bắc,
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ,
Hướng về anh – một phương.

                    (Sóng – Xuân Quỳnh, Ngữ Văn 12, tập 1, NXBGD 2018)
Nhận xét về phong cách thơ Xuân Quỳnh qua đoạn thơ trên.

 —-HẾT—-

Đáp án, lời giải chi tiết 

PHẦN I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích là: Nghị luận

Câu 2. Theo tác giả, chúng ta thường có xu hướng ngả ngả theo những lựa chọn dễ dàng, những con đường bằng phẳng và chỉ làm những gì cần thiết để hoàn thành công việc.

Câu 3. Những ví dụ được nêu trong đoạn trích trên:

Ví dụ: bạn hãy quét dọn, lau chùi nhà cửa, rửa xe tỉ mỉ hơn, sạch sẽ hơn hay sẵn sàng làm thêm một số công việc nơi công sở để công việc tiến triển ngày càng tốt.

- Tác dụng:

+ Làm cho văn bản trở nên sinh động, hấp dẫn, lập luận thuyết phục, rõ ràng. Qua đó nhấn mạnh: "Mỗi con người cần phải có thái độ nghiêm túc, phải biết cố gắng, nỗ lực trong công việc, Biết cách phát huy hết khả năng vốn có của mình.

Câu 4. Ý kiến: “Nếu bạn biết đặt ra cho mình một tiêu chuẩn cao trong bất kỳ công việc nào thì chắc chắn bạn sẽ thấy hài lòng hơn về chính mình.”

- Nêu quan điểm: Em đồng tình với ý kiến trên.

- Bởi vì:

+ Nó là một quan điểm đúng đắn, giúp con người hướng tới những điều tích cực trong cuộc sống đời thường.

+ Trước khi làm bất cứ công việc gì, nếu ta "biết đặt ra cho mình một tiêu chuẩn cao" thì sẽ giúp ta làm việc có trình tự, cẩn thận trong từng khâu, và luôn biết hướng tới mục tiêu ở phía trước.

+ "Mục tiêu chuẩn cao" sẽ giúp ta có động lực, tập trung vào phát huy tốt nhất công việc và đạt kết quả tốt nhất mà bản thân mong muốn.

PHẦN II. LÀM VĂN

Câu 1

- Xác định yêu cầu: đoạn văn (khoảng 200 chữ) bàn về ý nghĩa của sự “Quyết Tâm”

- Vấn đề nghị luận: ý nghĩa của sự Quyết Tâm

- Dàn ý tham khảo chi tiết: Dàn ý nghị luận xã hội về ý chí nghị lực

Giới thiệu vấn đề: Sự quyết tâm là yếu tố quan trọng trong con đường đi đến thành công.

Bàn luận vấn đề:

- Giải thích: Quyết tâm là sự nỗ lực, cố gắng phấn đấu không ngừng để đạt được kết quả mà mình mong muốn.

- Ý nghĩa của sự quyết tâm:

+ Là ý chí, là nghị lực giúp ta vượt qua được mọi khó khăn, thử thách.

+ Có quyết tâm chúng ta sẽ không dễ nản lòng, chùn bước.

+ Là nguồn năng lượng, là động lực, là cơ sở thôi thúc ta phải hành động, phải thực hiện các mục tiêu đã đặt ra.

+ Giúp ra khắc phục được những hạn chế của bản thân tìm ra con đường đi đúng đắn.

- Dẫn chứng thực tế.

=> Có quyết tâm thì con người ta mới có sức mạnh chiến thắng mọi thử thách và vươn tới thành công. Ngược lại nếu thiếu đi quyết tâm bạn sẽ chỉ có được sự chán nản, thất vọng mà thôi.

Kết thúc vấn đề. Khẳng định ý nghĩa và tầm quan trọng của sự Quyết Tâm.

Câu 2

Các em phải xác định yêu cầu của đề:

Làm sáng tỏ 2 luận điểm sau:

Luận điểm 1: Vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ đang yêu được bộc lộ bởi sự đắm say, nồng nàn, mãnh liệt, qua nỗi nhớ cồn cào da diết chiếm lĩnh cả không gian và thời gian xung quanh cô gái.

Luận điểm 2: Sau tình yêu sôi nổi trong trái tim người con gái thì ta lại thấy được tình yêu chân thành, trong sáng, thủy chung.

Nhận xét về nghệ thuật: 

- Giọng thơ khi dạt dào sôi nổi, khi lại dịu dàng, trẻ trung.

- Ngôn ngữ thơ mộc mạc, giản dị và tinh tế

- Thể thơ năm chữ giàu nhịp điệu, rất phù hợp để diễn tả nhịp sóng và nhịp lòng của người con gái khi yêu.

- Sự dụng các biện pháp tu từ: ẩn dụ, nhân hóa, đối lập, lặp cấu trúc.

Nhận xét về phong cách thơ Xuân Quỳnh qua 2 đoạn thơ trên:

- Hồn nhiên tươi tắn, nữ tính, da diết trong khát vọng hạnh phúc bình dị đời thường.

- Bài thơ nói chung và đoạn thơ nói riêng đã thể hiện vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ khi yêu: chân thành, say đắm, nồng nàn, mãnh liệt, thủy chung, trong sáng, cao thượng. Tình yêu ấy vừa mang nét đẹp tình yêu truyền thống, vừa có nét táo bạo, chủ động của tình yêu hiện đại.

Văn mẫu tham khảo

Xuân Quỳnh là nhà thơ của hạnh phúc đời thường. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một tâm hồn luôn luôn khao khát tình yêu, gắn bó hết mình với cuộc sống hằng ngày, trân trọng, nâng niu cho hạnh phúc bình dị của đời thường. Bà được xem là một trong số những thi sĩ viết thơ tình hay nhất trong nền thợ Việt Nam từ sau năm 1975. Tình yêu trong thơ Xuân Quỳnh vừa nồng nhiệt, táo bạo vừa thiết tha, say đắm, dịu dàng; vừa hồn nhiên, giàu trực cảm vừa lắng sâu những trải nghiệm suy tư. Bà có rất nhiều bài thơ hay, tiêu biểu là bài thơ “Sóng”. Hai khổ thơ sau của bài thơ thể hiện nỗi nhớ và lòng chung thuỷ của người phụ nữ trong tình yêu :

Con sóng dưới lòng sâu,
.......................................

Hướng về anh - một phương.

Bài thơ “Sóng” được sáng tác năm 1967 trong chuyến đi thực tế của nhà thơ ở vùng biển Diêm Điền, tỉnh Thái Bình. Bài thơ in trong tập “Hoa dọc chiến hào”( 1968). Bài thơ gồm chín khổ với nội dung miêu tả về sóng biển và diễn tả tâm trạng của nhân vật trữ tình “em”, người phụ nữ đang yêu. Đoạn thơ thuộc khổ thơ thứ năm và sáu của bài thơ.

Hình tượng sóng và em Hình tượng trung tâm của bài thơ là “Sóng”. Xuân Quỳnh đã nối tiếp truyền thống trong thơ ca là lấy sóng để hình dung tình yêu, đem sóng nước so sánh với sóng tình. Dù tiếp nối truyền thống văn học nhưng “sóng” của Xuân Quỳnh vẫn có những nét độc đáo riêng. Cả bài thơ là những con sóng tâm tình của một người phụ nữ được khơi dậy khi đứng trước biển cả, đối diện với những con sóng muôn trùng. Tác giả nói với mình, nói với người về tình yêu trẻ trung nồng nhiệt gắn với khát vọng hạnh phúc muôn thuở của con người.

Trong bài thơ còn có một hình tượng trữ tình nữa, đó là “em”. “Em” cũng là “sóng” mà “sóng” cũng là “em”. “Sóng” là một hình tượng ẩn dụ, là sự hóa thân của cái tôi trữ tình của nhà thơ. “Sóng” và “em” vừa hòa nhập làm một, lại vừa phân đôi ra để soi chiếu vào nhau. Tâm hồn của người phụ nữ đang yêu soi vào sóng để thấy rõ lòng mình, nhờ sóng biểu hiện những trạng thái của lòng mình.

Sau khi nêu lên đặc điểm của những con “sóng” cũng là đặc điểm của tình yêu, sang khổ năm, cũng từ hình tượng sóng, Xuân Quỳnh nhận thức thêm một đặc trưng nữa của tình yêu là nỗi nhớ. Tình yêu luôn đi liền với nỗi nhớ.

“Con sóng dưới lòng sâu
…………………………….
Cả trong mơ còn thức”.

Đây là khổ thơ có số lượng câu thơ nhiều nhất trong bài, 6 câu thơ đứng giữa bài thơ, như một đợt sóng lòng cồn lên cao nhất từ tâm điểm của bài thơ. Bốn câu đầu cái tôi trữ tình nhập vào sóng để giãi bày tâm sự. Hai câu sau cái tôi trữ tình tách ra để bày tỏ lòng mình, nhập vào rồi tách ra như vậy tuy hai mà vẫn là một trong một dòng cảm xúc tuôn chảy.

Ở hai dòng thơ đầu, tác giả chợt khám phá ra một điều giản dị nhưng lại vô cùng sâu sắc: đại dương không bao giờ được yên bình, êm ả bởi nó luôn mang trong mình hai con sóng :

Con sóng dưới lòng sâu,
Con sóng trên mặt nước,

Đặt hai câu này trong mối quan hệ với những câu thơ trước đó của tác phẩm sẽ thấy những con sóng mà tác giả nói đến ở đoạn thơ này là con sóng ở bể lớn tình yêu, là con sóng tình yêu đã vượt ra khỏi giới hạn chật hẹp để đến với một không gian rộng lớn hơn, và thực sự là chính mình. Con sóng tình yêu càng có thêm những trăn trở để lý giải, cắt nghĩa về tình yêu của em. Biển có những Con sóng dưới lòng sâu và trên mặt nước, có khi con sóng trên mặt nước lặng lẽ nhưng con sóng dưới lòng sâu lại rất ồn ào. Những gì lạ lùng và khó hiểu ấy của sóng cũng chính là những gì khó hiểu của em. Khi nhắc đến hai con sóng để biểu thị cho tình yêu thì lời thơ lại mở ra liên tưởng khác: em khi yêu đã sánh tình yêu của mình với biển, bởi người phụ nữ khi yêu có cả một đại dương tình cảm, biển cũng như em đã không thể nào yên vì có anh. Chính những con sóng này là nhịp đập, là trái tim, là yếu tố làm nên sức sống của biển cả, bởi sóng chẳng bao giờ yên nghĩ, chẳng bao giờ ngừng vỗ. Về điều này, Xuân Quỳnh đã có cách lý giải thật bất ngờ, thú vị:

Ôi con sóng nhớ bờ,
Ngày đêm không ngủ được,

Như thế, con sóng ngày đêm không ngủ được cứ dào dạt triền miên, cứ cồn cào da diết bao trùm lên không gian, thời gian là tại bởi nỗi nhớ, tại bởi sóng nhớ bờ . Thực ra, mọi con sóng đều có bến bờ của nó và dù còn xa bờ bao nhiêu nữa thì sóng vẫn hướng tới bờ với một niềm khao khát thương nhớ không nguôi. Sóng nhớ bờ là một quy luật vĩnh cửu- quy luật của muôn đời, của tự nhiên và ở đây nỗi nhớ ấy của sóng đã được xem là một trong những cung bậc, một trong những giai điệu của tình yêu. Nhưng nói như thế dường như vẫn chưa đủ, chưa thoả, chưa diễn tả hết sự mãnh liệt, trào dâng của nỗi nhớ, nên người con gái đang yêu có lẽ cũng không cần phải giấu giếm những tình cảm chân thành của lòng mình cho nên một lần nữa nỗi nhớ lại được thể hiện ra một cách trực tiếp ở hai câu thơ :

Lòng em nhớ đến anh,
Cả trong mơ còn thức.

Xuân Quỳnh đã thể hiện nỗi nhớ như đã thường trực trong mọi không gian và thời gian, đã lan tỏa đầy cõi lòng, không chỉ ngự trị trong ý thức mà còn ăn sâu vào cả tiềm thức, đi cả vào giấc mơ- cái thức trong mơ mới là sự thật của nỗi lòng. Em thức để chăm chút, nâng niu từng khoảnh khắc hạnh phúc, dường như em chỉ sợ một giây phút chợp mắt là tất cả sẽ tan biến vào hư vô. Rõ ràng Xuân Quỳnh đã nối dài tình yêu bằng giấc mơ, bằng cách xoá nhoà khoảng cách giữa mộng và thực. Cách nói như vậy rất đúng với bản chất của tình yêu. Không phải sự táo bạo nào cũng chứng tỏ một tình yêu chân chính, nhưng tình yêu chân chính không thể thiếu mê say, cuồng nhiệt.

Ở bốn câu thơ sau, tình yêu sôi nổi nồng nhiệt của trái tim người phụ nữ cũng lại là một tình yêu chân thành, trong sáng, một tình yêu hết mình và đòi hỏi sự duy nhất tuyệt đối, sự gắn bó thủy chung:

“Dẫu xuôi về phương bắc
...........................................
Hướng về anh - một phương”

Hình như thể hiện tình yêu bằng nỗi nhớ vẫn chưa yên tâm, mà phải diễn đạt sao đây cho đủ, cho đến tận cùng, vì thế khổ thơ này xuất hiện. Những cặp từ trái nghĩa “Dẫu xuôi”, “dẫu ngược”, “phương Bắc”, “phương Nam” là những từ cụ thể nói lên độ dài và những cách trở trong tình yêu. Dân gian hay nói: “ xuôi nam ngược bắc”, Xuân Quỳnh đã diễn đạt ngược lại để khẳng định: dù cuộc đời, trời đất có thay đổi, có quay cuồng, đảo lộn, thay phương đổi hướng thì tình yêu của em cũng chỉ dành cho một người là anh mà thôi. Hướng về anh thì có thể thay đổi nhưng với lời khẳng định chắc nịch “một phương” thì nơi em hướng về là bất di bất dịch. Đến đây trong lời thơ không còn em và sóng, chỉ còn em và anh – với tình yêu:

“Chỉ còn em và anh
Cùng tình yêu ở lại”
(Thơ tình cuối mùa thu)

Câu thơ giống như một lời thề. Thề rằng dù em phải ngược xuôi vất vả gian truân, lên thác xuống ghềnh cũng chỉ có anh là người duy nhất. Câu thơ giản dị mà sâu sắc hơn tất cả mọi lời vàng đá. Không gian thì có bốn phương tám hướng, nhưng tình yêu chỉ chấp nhận một phương. Có lẽ đây cũng là quan niệm về tình yêu của nữ sĩ Xuân Quỳnh: tình yêu phải gắn với lòng chung thủy. Tình yêu không đơn thuần là tình yêu mà tình yêu đi liền với cái tốt, cái đẹp, cái cao cả là nỗi nhớ mãnh liệt, lòng thủy chung tuyệt đối. Khổ thơ toát lên vẻ đẹp của tình yêu đầy nữ tính kín đáo, dịu dàng, táo bạo, mãnh liệt bởi nhiều khát khao và đam mê nhưng vẫn giữ được nét đẹp truyền thống của người phụ nữ phương Đông và người phụ nữ Việt Nam yêu tha thiết, chân thành và luôn hướng tới hôn nhân. Những câu thơ như được vắt ra từ chính cuộc đời Xuân Quỳnh đầy đau thương, mất mát, hụt hẫng về tình cảm. Cảm thông cho cuộc đời Xuân Quỳnh, ta càng hiểu thêm tình cảm của nữ sĩ.

Ở cả hai đoạn thơ, hình tượng sóng và em sóng đôi, hòa làm một, soi chiếu vào nhau cộng hưởng. Sóng chính là nỗi lòng của em và em là hiện thân của sóng. Sóng và em đồng hiện tạo nên chiều sâu nhận thức độc đáo. Xuân Quỳnh viết bài thơ này vào những năm 1967, khi cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam ở vào giai đoạn ác liệt, khi thanh niên trai gái ào ào ra trận “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, khi sân ga, bến nước, gốc đa, sân trường diễn ra những cuộc chia ly màu đỏ. Cho nên có đặt bài thơ vào trong hoàn cảnh ấy ta mới càng thấy rõ nỗi khát khao của người con gái trong tình yêu: “Ôi con sóng nhớ bờ/ Ngày đêm không ngủ được”. Ta càng ngưỡng mộ hơn những con người phụ nữ Việt Nam, những con người luôn thuỷ chung, luôn sống hết mình vì một tình yêu. Xuân Quỳnh xứng đáng là một nhà thơ nữ của tình yêu lứa đôi, bà đã làm phong phú hơn cho nền thơ nước nhà.

Tóm lại, ở hai khổ thơ này, tác giả thể hiện trái tim người phụ nữ đang yêu đã cồn cào, da diết một nỗi nhớ miên man, thường trực, cả khi thức, khi ngủ, bao trùm cả không gian, thời gian. Nỗi nhớ cuồn cuộn, dào dạt như những đợt sóng biển triền miên, vô hồi, vô hạn mà cũng sâu lắng biết bao. Ta bắt gặp ở đây một cô gái dạn dĩ mà rất chân thành bày tỏ nỗi nhớ mãnh liệt của mình khi yêu.

-/-

Đề thi thử THPT Quốc gia 2020 môn Văn TP Biên Hòa (Đồng Nai) được biên soạn và chia sẻ bởi quý thầy, cô giáo và các tập thể giáo viên dạy Anh văn uy tín trên toàn quốc, đảm bảo độ chính xác cao, dễ hiểu. Được Soanbaitap.com tổng hợp và đăng trong chuyên mục Đề Thi, nếu thấy hay hãy chia sẻ và comment để nhiều thầy cô cùng các bạn học sinh khác tiện tra cứu và tham khảo.



#soanbaitap

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét